Danh mục: Tin tức | Ngày đăng: 2022-12-10 10:06:16 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị
Vườn thanh long vừa trồng của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Tuấn (ấp Cầu Kinh, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đang phát triển tốt. Gia đình ông Tuấn có 1,5ha thanh long với nhiều độ tuổi khác nhau. Đầu năm 2022, thấy một phần diện tích thanh long già cỗi, vợ chồng ông Tuấn quyết định phá bỏ để trồng mới. Thông qua Hội Nông dân (ND) Việt Nam xã An Lục Long, ông Tuấn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm vốn tái sản xuất thanh long.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Nguyễn Hoàng Tuấn trồng lại một phần diện tích thanh long của gia đình
Ông Tuấn cho biết: “Thời điểm thanh long xuống giá trầm trọng, tôi vẫn chăm sóc vườn, lấy trái thường xuyên. Nếu duy trì sản xuất thì vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên, không thể cao như giai đoạn trước”. Gần 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thanh long bấp bênh, diện tích thanh long của huyện Châu Thành giảm dần. Hiện tại, diện tích thanh long được chăm sóc và khai thác còn 5.883ha. Toàn huyện có trên 2.480ha thanh long đã phá bỏ hoặc cần phá bỏ để trồng lại. Nhằm giúp ND có điều kiện tái sản xuất thanh long, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành chỉ đạo các địa phương hỗ trợ ND tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội một cách dễ dàng, nhanh chóng khi có nhu cầu.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng cho biết: “Huyện đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ ND trong việc trồng mới các vườn thanh long già cỗi, hư hại cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận các giống mới. Địa phương nỗ lực kết nối nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm vùng chuyên canh thanh long được bền vững và phát triển. Huyện còn tuyên truyền, vận động ND chuyển đổi sang trồng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long sạch có giá trị, ổn định hơn”.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành chỉ đạo UBND huyện tăng nguồn vốn ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, dự kiến là 10 tỉ đồng trong năm 2023 nhằm hỗ trợ khi ND cần vốn tái sản xuất thanh long. Ngoài hỗ trợ ND tái sản xuất thanh long, lãnh đạo huyện Châu Thành còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặt ra mục tiêu huyện có 3.000ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, 300ha được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Điều đó tạo cơ hội cho ND đưa sản phẩm thanh long đến các thị trường khó tính với mức giá cao và đầu ra ổn định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện triển khai nhiều biện pháp giúp ND vượt qua khó khăn. Huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ tư vấn ND trồng mới thanh long, trong đó, chú trọng về kỹ thuật khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh tại các vườn thanh long bị bệnh nặng cũng như hướng dẫn chọn giống chất lượng cao, kháng bệnh và hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ.
Việc liên kết doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết; đăng ký mã số vùng trồng cho từng ấp; ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh hướng đến nền sản xuất hiện đại kết hợp khai thác du lịch sinh thái;... cũng được lãnh đạo địa phương chú trọng thực hiện. Chính quyền và ND huyện Châu Thành đang nỗ lực để huyện tiếp tục là vùng trồng thanh long chuyên canh của tỉnh, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
(theo baolongan.vn)