Danh mục: Tin tức | Ngày đăng: 2022-11-22 15:14:05 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị
LONG AN- Xây dựng chuỗi liên kết, hình thành vùng trồng quy mô lớn ứng dụng công nghệ được tỉnh xác định là cách xây dựng nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Đẩy mạnh liên kết vùng là chính sách được tỉnh Long An đẩy mạnh trong nhiều năm qua nhằm khai thác hết tiềm năng của ngành nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Chương trình sẽ tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết, từ đó, có sự chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong quy hoạch vùng huyện ở các địa phương trong tỉnh, việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên.
Người dân thu hoạch lúa ở Tân Lập, Mộc Hóa.
Long An sẽ quy hoạch các vùng nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Để đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở cũng tham gia các hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP.
Mới đây, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được công bố. Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được lập nên theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành. Một trong những điểm nhấn là thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường. Trong đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Để hỗ trợ cho việc liên kết vùng, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập tại TP Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, liên kết vùng là một yếu tố quan trọng nhưng trước đây công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố còn chưa được chặt chẽ. Sự ra đời của Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng tại Cần Thơ là cần thiết. Hàng tháng, đại diện 13 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ chia sẻ tình hình sản xuất của địa phương và có định hướng phát triển phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt một sản phẩm tại nhiều địa phương gây ra tình trạng cung lớn hơn cầu, làm giảm giá bán của nông sản và thu nhập của người dân.
Bên cạnh tăng tính liên kết, ngành nông nghiệp của tỉnh Long An còn khuyến khích nông dân xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản, hướng đến việc xuất khẩu. Mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản.
Hiện Tây Nam bộ có 217 vùng trồng được cấp mã số. Trong đó, số mã số vùng trồng cấp cho thanh long là 190; vùng trồng chuối được cấp 2; vùng trồng dưa hấu được cấp 13; vùng trồng xoài được cấp 5 và vùng trồng chanh được cấp 7. Song song đó, toàn tỉnh đã cấp 144 mã số đóng gói đối với các loại trái cây như chuối, chanh, thanh long,... để phục vụ việc xuất khẩu. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã cấp 133 mã số; các thị trường khác như Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản đã cấp 11 mã số.
Mặc dù đã có nhiều chiến lược, chính sách cho việc nâng cao giá trị cây trồng nhưng tỉnh vẫn chưa khai phá hết tiềm năng. Là một trong những vựa lúa hàng đầu Đồng bằng sông Cửu Long song đến nay Long An vẫn chưa có vùng trồng lúa nào được cấp mã số.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có trên 245.000 ha lúa, 11.470 ha chanh, trên 10.640 ha thanh long, 2.645 ha mít, 2.714 ha khoai mỡ, 893 ha sen, trên 5.667 ha rau các loại,...; trên 200.000 con gia súc, 8,4 triệu con gia cầm và 4.165 ha thủy sản. Trong đó, vùng nguyên liệu (gồm các sản phẩm lúa, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, heo, bò thịt và thủy sản) đã được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ trên 1.936 ha.
(Theo vnexpress.net)