Người dân ở ĐBSCL điêu đứng vì nhà sập, tốc mái, lúa và hoa màu hư hỏng nặng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa giông trên diện rộng.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, lúa hè thu đang chín rộ nhưng nhiều nơi không thu hoạch được do mưa lớn kéo dài và triều cường lên nhanh. Lúa chín không đều (do nông dân xuống giống vào những thời điểm khác nhau), nông dân đành xót xa chờ nước rút và chờ các diện tích lúa lân cận chín thì máy cắt mới có thể vào ruộng thu hoạch lúa. Trong khi đó, lúa càng để ngâm nước lâu càng hao hụt, chất lượng hạt lúa giảm đáng kể. Tại huyện biên giới Hồng Ngự, khoảng 100 ha lúa đang chìm trong biển nước.
Ông Lưu Văn Tỏi - ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết nước ngập lênh láng khiến máy cắt không vào ruộng được. Lúa bị đổ ngã nhiều, lên mộng nên năng suất thu hoạch giảm khoảng 20%. Tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hơn 6.000 ha lúa hè thu cũng đang ngập úng. Theo ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, bên cạnh lúa, rau màu cũng bị thiệt hại nặng. Qua kiểm tra, chỉ có xã Khánh Lộc báo thiệt hại hơn 5 ha. Tuy nhiên, diện tích rau màu toàn huyện đều bị ngập, khả năng thiệt hại sẽ rất cao.
Lúa ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bị ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng Ảnh: Nha Mân Tại Bạc Liêu, mưa lớn làm mực nước trên đồng lên nhanh kèm triều cường và nước từ thượng nguồn đổ về nhiều đang gây ngập úng cục bộ. Ông Trần Văn Hận (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết khoảng 1 ha lúa của gia đình chưa đến ngày thu hoạch nhưng bị mưa giông làm đổ ngã, ngập úng, buộc phải thu hoạch sớm. "Nước ngập mênh mông không thu hoạch được bằng máy, phải thuê nhân công nên chi phí tăng gấp đôi so với thu hoạch bằng cơ giới. Vụ mùa tưởng bội thu giờ thiệt hại nặng nề" - ông Hận buồn bã.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương nhanh chóng thực hiện các giải pháp tháo thoát nước nhằm bảo vệ diện tích lúa song việc này chưa đạt như mong muốn. Ngành nông nghiệp Cà Mau vận động người dân gia cố bờ bao, đê bao, chủ động bơm tát.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, địa phương phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước đầu nguồn, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động ứng phó trong sản xuất. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai phương án phòng chống lũ cho sản xuất vụ hè thu, thu đông, hoa màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản… Tỉnh cũng khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ hè thu và sản xuất vụ thu đông để bảo đảm thu hoạch an toàn, tránh bị thiệt hại khi có lũ xảy ra.