Lâm Đồng xác định mục tiêu và giải pháp cần tập trung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản…
Thực trạng nông nghiệp Lâm Đồng đến năm 2015
Về Trồng trọt: Toàn tỉnh hiện có 54 ngàn ha rau với sản lượng 2,3 triệu tấn; 7,65 ngàn ha hoa và 2,7 tỷ cành hoa; 152.600 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 28,3 tạ/ha, sản lượng 408 ngàn tấn, là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và chất lượng cà phê chè.
Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất nước với khoảng 24 ngàn ha (chiếm 20% diện tích và 30% sản lượng chè cả nước và trên 90% diện tích chè ở phía Nam), năng suất bình quân 10,95 tấn/ha, sản lượng đạt 250 ngàn tấn. Tỉnh cũng có nhiều lợi thế phát triển một số cây đặc sản và cây dược liệu, nhiều cây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Đà Lạt như dâu tây, atiso, chuối Laba, cây dược liệu, trà hoa vàng, thông đỏ, đảng sâm.
Chăn nuôi: Đàn bò sữa có 15.700 con (năm 2015), năng suất sữa bình quân hiện nay đạt 18,5 lít/ngày/con, sản lượng sữa bình quân đạt 5.643 kg/bò sữa/chu kỳ vắt sữa (bình quân chung cả nước 4.500 kg/con/chu kỳ), tổng lượng sữa tươi toàn tỉnh khoảng 51.000 tấn/năm.
Đàn bò thịt có 70.000 con, trong đó 60% là bò lai Sind với trọng lượng 250 – 300 kg/con. Lâm Đồng có lợi thế về chăn nuôi bò thịt cao sản nếu áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật như lai tạo giống mới, chăn nuôi công nghiệp và chủ động được nguồn thức ăn thô xanh.
Cá nước lạnh: Toàn tỉnh hiện có 50 ha nuôi cá nước lạnh với sản lượng đạt 500 tấn (chiếm 60% sản lượng cả nước); có 2 đơn vị sản xuất được giống cá nước lạnh tại Lâm Đồng.
Lâm nghiệp: Tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 532.080ha, độ che phủ đạt 52,5%; toàn tỉnh đã thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 18.275 hộ với diện tích 401.601ha và cho 440 doanh nghiệp thuê rừng, đất lâm nghiệp tổng diện tích 47.357ha. Diện tích rừng trồng toàn tỉnh hiện có 77.958ha chủ yếu là thông ba lá (chiếm trên 50% diện tích). Toàn tỉnh có 79 doanh nghiệp và 317 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể với năng lực chế biến khoảng 200.000m 3 gỗ tròn/năm, nguyên liệu ước đưa vào chế biến bình quân hàng năm khoảng 100.000m 3 gỗ tròn các loại.
Thủy lợi: 100% công trình thủy lợi của Lâm Đồng đã có chủ thể quản lý và cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; công nghệ tưới tiên tiến trên thế giới đã được áp dụng phổ biến với diện tích gần 40.000ha, chiếm 11,52% diện tích gieo trồng toàn tỉnh.
Phát triển nông thôn: Tỉnh có 2 liên hiệp hợp tác xã (HTX), 103 HTX, 240 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 6.144 xã viên, 5.816 tổ viên và khoảng 8.500 lao động khác. Đa phần các HTX, THT thực hiện tốt công tác tuyên truyền tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giải quyết tốt quan hệ giữa kinh tế hợp tác và hộ gia đình, là cầu nối giữa nhà khoa học, xã viên và người tiêu thụ sản phẩm, chỗ dựa cho kinh tế hộ gia đình phát triển.
Bí ngô
Toàn tỉnh có 532 trang trại với tổng số 9.944 lao động làm việc thường xuyên; 12 mô hình liên minh sản xuất trong nông nghiệp, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng và cũng là mục tiêu quyết tâm phấn đấu của chính quyền cơ sở ở nông thôn và cá nhân mỗi người dân nông thôn. Đến hết năm 2015 có 43 xã đạt chuẩn NTM; huyện Ðơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Chủ động trong giai đoạn mới
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu và giải pháp cần tập trung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau:
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tạo đột phá bằng các sản phẩm có vị thế về năng suất, chất lượng, có tầm ảnh hưởng quốc gia và Đông Nam Á như rau, hoa, chè, cà phê, cá nước lạnh, bò sữa, bò thịt chất lượng cao (BBB và Kobe), trung tâm cây dược liệu, đông trùng hạ thảo, trung tâm sản xuất cây giống invitro công nghiệp.
– Phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa. Xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, có tầm cỡ của Đông Nam Á.
Nhằm đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới Lâm Đồng cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thực hiện tốt quy hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý để duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 5,5 – 6%/năm; doanh thu trên một đơn vị diện tích đạt 180 – 190 triệu đồng/ha/năm, chuyển mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020: trồng trọt 70 – 75%, chăn nuôi 20 – 25%, dịch vụ 4 – 5%. Tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trung bình từ 3 – 5%/năm, giảm tổn thất các loại nông sản xuống dưới 10%.
Tập trung chỉ đạo tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; có ít nhất 50% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững; giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống dưới 20%. Tăng độ che phủ của rừng lên 55%.
Thứ hai, xác định một số đối tượng vật nuôi, cây trồng có ưu thế cạnh tranh của tỉnh (rau, hoa, chè, cà phê, cây dược liệu, cây đặc sản, bò sữa, cá nước lạnh) để tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng gắn với xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trồng cà chua công nghệ cao tại Lâm Đồng
Thứ ba, triển khai triệt để chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản (chè, cà phê, cà chua, sữa…) tạo đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, các công ty cổ phần nông nghiệp trong vùng nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ khu công nghiệp nông nghiệp Tân Phú là khu sản xuất kinh doanh khép kín thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Thứ tư, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất.
Lâm Đồng xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo bước đột phá, điểm nhấn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng hướng đến gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, giúp tăng giá trị nông sản, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời tiếp tục phát huy chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trong giai đoạn tới.
Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng đi đôi với việc trồng rừng, bảo vệ tài nguyên; thực hiện có hiệu quả chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trồng rừng có chứng chỉ, thực hiện quản lý tài nguyên rừng có sự tham gia của người dân. Rà soát, sắp xếp các tổ chức quản lý rừng: Xây dựng phương án, đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.
Thứ sáu, có giải pháp đồng bộ triển khai các công trình thủy lợi lớn; huy động nguồn vốn trong nhân dân để thực hiện Đề án phát triển hệ thống ao hồ nhỏ, đến năm 2020 phát triển được khoảng 5.500 ao, hồ nhỏ cung cấp nước tưới cho khoảng 8.400 ha cây công nghiệp. Áp dụng triệt để các công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm chủ động được nguồn nước tưới trong mùa khô hạn. Phấn đấu đến năm 2020 tăng thêm 35.000 ha đất sản xuất được cung cấp nước tưới để nâng tổng diện tích được tưới đạt khoảng 155.000 ha (chiếm 60% trên diện tích gieo trồng cần tưới toàn tỉnh).
Thứ bảy, triển khai một cách khoa học và hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn giàu về kinh tế; vững mạnh về hệ thống chính trị; xanh, sạch về môi trường, trật tự an ninh nông thôn đảm bảo; chất lượng cuộc sống của người dân luôn cải thiện, luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Thứ tám, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đến tiêu thụ:
Tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản mới, đồng thời quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, HTX, doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tập trung chỉ đạo sản xuất quyết liệt hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, HCCP, ISO, Organic, GMP, UTZ, Rainforest… để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng rào cản kỹ thuật TBT, tạo đầu ra ổn định cho nông sản chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ chín, có giải pháp tạo đột phá trong khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua việc khuyến khích phát triển làng nghề, nghề truyền thống để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực nhàn rỗi làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Triển khai đồng bộ kế hoạch phát triển du lịch canh nông giai đoạn 2015 – 2020 góp phần phát triển bền vững nông thôn.
Thứ mười, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn vốn ODA và FDI nhằm thu hút các dự án trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị để góp phần tạo bước đột phá ngành nông nghiệp trong tương lai. Thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp nhằm phát huy giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp và thu hút các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản đầu tư vào Lâm Đồng.