Danh mục: Tin tức | Ngày đăng: 2022-10-29 09:43:22 | Ngày cập nhật: 2022-10-29 09:44:10 | Được đăng bởi: Ban Quản Trị
Đến với các xã nông thôn mới ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) không khó để bắt gặp những nhà lưới, kỹ thuật tưới phun sương trong trồng trọt hay máy vắt sữa bò, hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi của bà con nông dân.
Hơn 10 năm trước, Củ Chi là huyện nghèo của TPHCM với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực nông thôn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha của bà con nông dân tại huyện Củ Chi năm 2021 đã đạt khoảng 300 triệu đồng, tăng khoảng 2,5 lần so với trước năm 2.000.
Trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở ngoại thành TPHCM.
Một bước tiến quan trọng nữa trong nông nghiệp công nghệ cao ở TPHCM trong những năm gần đây được thể hiện qua sự quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN). Nhiều chính sách ưu đãi để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này đã phát huy hiệu quả, như miễn thuế thu nhập nhiều năm liền, miễn thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm sản xuất trong khu nông nghiệp công nghệ cao, miễn thuế nhập khẩu đối với các giống cây trồng, giống vật nuôi, nông dược đặc chủng được phép nhập khẩu để thực hiện dự án...
Tới nay, TPHCM đã thu hút được hàng chục DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Các DN này tập trung vào các lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp; canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu. Những công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến đang được các DN sử dụng như: trồng cây trong nhà màng, nhà kính; tưới và bón phân tự động bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử ứng dụng; sử dụng chiếu xạ, hơi nóng xử lý trái cây sau thu hoạch. Năm qua, các DN trên địa bàn TPHCM đã xuất khẩu được gần 300 tấn hạt giống và hơn 20 nghìn tấn rau, quả sang các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc, châu Âu... với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng.
Từng giữ vị trí Phó trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, ông Từ Minh Thiện cho biết, lĩnh vực này được định hướng thành 3 nhóm. Một là đối với những người có khả năng đầu tư vào sản xuất bằng cách tự động hoàn toàn. Nhóm thứ hai là dành cho những người có khả năng đầu tư vào hệ thống chăm sóc bán tự động. Một nhóm nữa là ứng dụng dành cho những người sản xuất thông thường, ví dụ như ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng những sản phẩm khoa học tiến bộ liên quan đến hệ thống tưới kết hợp với bón phân, hoặc là sử dụng các loại phân hữu cơ để làm chất lượng sản phẩm tăng lên.
Cũng như nhiều thành phố khác, nông nghiệp TPHCM đang đối mặt với tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hàng năm có trên 1.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác. Vì thế, trong điều kiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp hiện đại, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, chế biến và tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là hướng đi phù hợp của TPHCM.